Sau hơn một tuần, phiên xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm hoàn tất việc xét hỏi các bị cáo ở 3 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Đồng phạm nhận tội, bà Trương Mỹ Lan khai báo lòng vòng
Bị cáo buộc phát hành 25 mã trái phiếu khống và chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư, 28 bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB và các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Theo các bị cáo, việc phát hành trái phiếu thực hiện theo chủ trương của bà Trương Mỹ Lan.
Em dâu bà Lan là bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) khai rằng sau khi tiếp nhận chủ trương, bị cáo chỉ ký hồ sơ và tài liệu liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, sau này là ký phát hành trái phiếu. Ngoài ra, bị cáo Nhã còn khai chỉ đứng tên chức danh Chủ tịch HĐQT chứ không quản lý, không tham gia hoạt động của Công ty An Đông.
Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: VD
Cũng tỏ ra ân hận, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Trương Mỹ Lan) nói: “Trong thâm tâm, bị cáo chưa từng nghĩ đến việc lừa đảo chiếm đoạt của ai và cũng không được hưởng lợi, mỗi tháng được nhận lương 80 triệu đồng. Bị cáo cũng đã vận động gia đình khắc phục hậu quả cho các bị hại. Bị cáo muốn xin lỗi các bị hại vì đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của họ”.
Trương Huệ Vân bị VKS cáo buộc đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông. Sau đó, Công ty An Đông dùng số tiền nói trên mua trái phiếu sơ cấp. Hành vi này đã giúp sức cho bị cáo Lan cùng đồng phạm phát hành 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của hơn 20.000 bị hại.
Về tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, các bị cáo cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế của bà Lan) thì khai, theo yêu cầu của bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bà Lan), nhiều lần đã tới gặp Trần Thị Thúy Ái (cựu thủ quỹ Ngân hàng SCB) để nhận 108 tỷ đồng, sau đó vận chuyển về nhà riêng của bà Lan tại 127 Pasteur hoặc trụ sở Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Từ đó, số tiền này được bà Lan dùng vào các mục đích khác nhau.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH
Đối với tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, các bị cáo khai theo chỉ đạo của bà Lan nên đã lập các hợp đồng khống để chuyển và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Theo cáo buộc, tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.000 tỷ đồng...
Mặc dù các đồng phạm đã thừa nhận hành vi nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan lại phủ nhận tội trạng.
Đối với việc phát hành trái phiếu, bà Lan khai năm 2018, bà Nguyễn Phương Hồng (cựu thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB - đã mất) hay nói về vấn đề Ngân hàng SCB lâm vào bế tắc vì thường xuyên bị thanh, kiểm tra.
Sau đó, bà Hồng ngỏ ý "mượn" các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
“Bị cáo nghĩ nếu không cho mượn công ty thì có thể Ngân hàng SCB sẽ sụp đổ hết. Do đó, bị cáo mới cho mượn chứ không chủ trương phát hành trái phiếu. Bị cáo có biết gì đâu mà chủ trương” - bà Lan trình bày.
Bà Lan cũng khẳng định mình không “Rửa tiền”, cho rằng số tiền mình chuyển đi nước ngoài ít hơn rất nhiều so với số tiền ở nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Người bí ẩn muốn thay bà Trương Mỹ Lan khắc phục 130 triệu USD
Mặc dù chối tội nhưng bà Trương Mỹ Lan lại muốn mang thêm tài sản để khắc phục hậu quả.
Theo đó, bà Lan đề nghị đem "siêu dự án" Amigo với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) đem bán, lấy tiền khắc phục hậu quả.
Theo bà Lan, dự án này đã được nhà nước đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007 và đã được triển khai đền bù gần 30 năm nay, giờ chỉ còn vướng mắc một chút về pháp lý.
Ngoài ra, bà Lan còn muốn bán dự án 6A ở Bình Chánh (TPHCM) với giá rẻ để lấy tiền trả cho các trái chủ.
“Nếu bây giờ có ai mua với giá từ 15-20 nghìn tỷ đồng, tôi cũng bán” - bà Lan nói.
Chấp nhận mang tài sản ra khắc phục cho các bị hại nhưng bà Lan lại xin cho các đồng phạm của mình: “Trong 2 năm nay, bị cáo bi thương như thế này nhưng gia đình vẫn bòn mót từng đồng để khắc phục hậu quả. Tài sản nào liên quan đến bị cáo hoặc gia đình, bị cáo xin tình nguyện khắc phục, còn tài sản của các bị cáo khác mong HĐXX xem xét trả vì họ khổ lắm rồi”.
Đặc biệt, thông qua luật sư, một người bạn bí ẩn của bà Trương Mỹ Lan bày tỏ muốn trả thay khoản 250 triệu USD (chưa gồm lãi) mà bà Lan đã vay của một vài tổ chức tín dụng nước ngoài khi mua tòa nhà Capital ở 29 Liễu Giai (Hà Nội). Đồng thời, người bạn này còn muốn cho bà Lan vay thêm 130 triệu USD để khắc phục cho các bị hại.
Trước thông báo của luật sư, bà Lan tỏ ra bất ngờ và nói cần thời gian để bàn bạc lại. Tuy nhiên, khi luật sư giải thích số tiền 130 triệu USD này là người bạn cho vay chứ không phải mua bán tòa nhà Capital thì bà Lan đã đồng ý, và gửi lời cảm ơn tới người bạn của mình.
Khi HĐXX làm rõ làm vật chứng, tài sản, đồ vật thu giữ của các bị cáo và quyền tài sản đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Trương Mỹ Lan xin lại 2 túi xách Hermes bạch tạng. Lý do, theo bà Lan, đó là quà tặng kỷ niệm của một tỷ phú người Malaysia nên muốn giữ lại cho con cháu.
Theo cáo buộc, bị cáo Trương Mỹ Lan đã có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; thực hiện hành vi rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng, lừa đảo 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng. |
Theo Thanh Phương (Vietnamnet.vn)