McDonald’s, Nike, Apple, Starbucks đều sở hữu cho riêng mình những bài học kinh doanh vô cùng giá trị.
Bài học kinh doanh từ McDonald’s: Biết điểm mạnh của thương hiệu
Một chiến lược tiếp thị hiệu quả là chiến lược biết tận dụng những điểm mạnh riêng của công ty để làm chìa khóa thu hút khách hàng, McDonald’s chính là một trong số những thương hiệu áp dụng thành công bài học đó. Hãng đồ ăn nhanh này đã thẳng thắn đưa ra lời khẳng định rằng thực phẩm của họ không nhất thiết phải là tốt nhất, thay vào đó, họ tập trung vào những yếu tố như sự quen thuộc, tiện lợi, giá cả phải chăng và sự thú vị trong từng sản phẩm cũng như chương trình khuyến mãi.
Nếu McDonald's chuyển hướng marketing chú trọng vào vấn đề sức khỏe hoặc chất lượng thực phẩm, họ sẽ đối mặt với một cuộc đua không ngang sức với những thương hiệu đồ ăn ăn kiêng khác. Mặc dù McDonald's cũng có các sản phẩm tốt cho sức khỏe trong thực đơn, nhưng họ không đặt trọng tâm quảng cáo vào những mặt này. Thay vào đó, họ tập trung vào những lợi thế cốt lõi của mình thay vì cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Bài học kinh doanh từ Nike: Bán những câu chuyện cảm động thay vì những sản phẩm tuyệt vời
Nike được đánh giá là một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo sản phẩm thông qua những câu chuyện chuyện, từ đó tạo nên giá trị cốt lõi riêng biệt cho thương hiệu của mình. Ví dụ như quảng cáo "Failure" của Nike kết hợp với siêu sao bóng rổ Michael Jordan đã truyền cảm hứng cho khách hàng thông qua thông điệp "lấy thất bại làm bàn đạp để thành công".
Nike đã thực hiện sứ mệnh của mình và kết nối với khách hàng thông qua việc kể câu chuyện nhất quán trên mọi nền tảng mạng xã hội. Chiến lược này đã nâng cao hình ảnh thương hiệu một cách đáng kể và trở thành đặc trưng trong marketing của họ.
Bài học kinh doanh từ Apple: Hãy để khách hàng quảng cáo cho bạn
Bài học marketing từ Apple là quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng, cung cấp dịch vụ tốt nhất khiến họ hài lòng, từ đó khách hàng của Apple sẽ chủ động chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi theo quan điểm của ông lớn ngành công nghệ này, khách hàng là nguồn chứng thực tốt nhất cho mọi thương hiệu, uy tín của thương hiệu sẽ được xây dựng thông qua lời giới thiệu từ những khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ trước đó. Vì vậy, tôn chỉ kinh doanh của Apple là "hãy tận dụng phản hồi của khách hàng để nâng cao uy tín thương hiệu".
Bài học kinh doanh từ Starbucks: Có ý thức xã hội và ủng hộ các hoạt động vì môi trường
Trang mạng xã hội của Starbucks thường xuyên chia sẻ nội dung về việc đề cao giá trị đạo đức. Họ thẳng thắn công khai nguồn gốc nguyên liệu và cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm. Họ cũng xem trọng các hoạt động bảo vệ môi trường như tái chế cốc, tiết kiệm nước và năng lượng, và tham gia vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chiến lược tiếp thị này được xem là rất hiệu quả vì góp phần kích thích một nhóm khách hàng có ý thức về môi trường đến cửa hàng, họ là những người không ngần ngại trả giá cao nếu họ cảm thấy có thể đóng góp cho xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng 93% người tiêu dùng có hình ảnh tích cực hơn về các công ty hỗ trợ vấn đề xã hội hoặc môi trường. Chiến lược của Starbucks là minh chứng tích cực cho điều này.
H.C (t/h)