Cơ Hội Giao Thương

Cảnh báo về xuất khẩu thực phẩm trái phép sang Singapore: Một số khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt

Việc xuất khẩu thực phẩm trái phép sang Singapore có thể đem lại nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ tại thị trường này mà còn ở các thị trường thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và Singapore đều là thành viên.

Cập nhật 16/01/2024 21:24 PM

Ngày 27/12/2023, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có thông tin về trường hợp 01 doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Viet-Sin Grocery, có đăng ký kinh doanh tại Singapore từ năm 2020, đã phải chịu mức phạt 36.000 đô-la Singapore từ Cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) với lý do vận hành trái phép hai kho trữ lạnh, nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của SFA, Công ty Viet-Sin Grocery đã ba lần vi phạm việc vận hành kho lạnh và nhập khẩu trái phép một số sản phẩm thịt và hải sản từ Việt Nam. Ngày 26/04/2022, SFA đã tìm thấy khoảng 1.800 kg thịt, thực phẩm chế biến từ thịt và hải sản được bảo quản trong một kho lạnh không có giấy phép vào tại Gambas Crescent. Tiếp đó, ngày 15/3/2023, SFA phát hiện thêm một kho lạnh khác đang hoạt động không có giấy phép tại Woodlands Close, lưu trữ khoảng 1.240 kg thịt, thực phẩm chế biến từ thịt và hải sản. Mới nhất, khoảng 37 kg sản phẩm thịt các loại đã bị phát hiện đang phân phối tại một cửa hàng tạp hóa ở Woodlands. Hai kho lạnh và cửa hàng tạp hóa nói trên đều do Công ty Viet-Sin điều hành. Các sản phẩm nêu trên được xác nhận là nhập khẩu từ Việt Nam, không có giấy phép nhập khẩu hợp lệ và có nguồn gốc chưa được công nhận.

Trong bối cảnh Việt Nam và Singapore đều đồng thời là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc một số doanh nghiệp Việt Nam vi phạm quy định nhập khẩu của nước bạn không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt nói chung tại Singapore mà còn có thể gây ảnh hưởng cả đến việc mở rộng thị trường sang các nước thành viên khác. Do vậy, để tránh những thiệt hại không đáng có và đảm bảo xây dựng thương hiệu cũng như hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước bạn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau:

Tìm hiểu các quy định của nước sở tại trước khi gia nhập thị trường:

Singapore là thị trường khắt khe và yêu cầu cao trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm… được Chính phủ Singapore quản lý chặt chẽ và phải tuân theo Luật Kinh doanh Thực phẩm (Sales of Food Act 1973) được sửa đổi thay thế một số điều vào 01/12/2021 (có hiệu lực từ 31/12/2021), Quy định về thực phẩm (Food Regulations), Quy định về môi trường, sức khỏe cộng đồng (An toàn thực phẩm) (Environmental Public Health Food Hygiene Regulations)… Theo quy định của Singapore, các doanh nghiệp tại Singapore nhập khẩu thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu của SFA và phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Singapore có quy định chặt chẽ về quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, quy định về dán nhãn thực phẩm, các chất phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng, các thành phần ngẫu nhiên xuất hiện trong thực phẩm, việc sử dụng các khoáng chất, dầu được hydro hóa một phần, quy định về hộp đựng thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ…

Chính phủ Singapore có quy định đối với từng loại mặt hàng nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm sữa và sản phẩm sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và được kiểm soát chặt chẽ thông qua các quy trình kiểm tra, kiểm định, cấp giấy phép của SFA. Mỗi lô hàng phải được khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến trái phép các sản phẩm thịt từ nguồn cung không được cấp phép hoặc tàng trữ sản phẩm thịt để bán, nhưng không có giấy phép hợp lệ sẽ bị phạt tiền (tới 100.000 đô-la Singapore) hoặc/và ngồi tù (tới 3 năm), tùy theo mức độ vi phạm.

Đến nay, các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam được cho phép nhập khẩu vào Singapore gồm có chân ếch và một số sản phẩm từ trứng (1) đã được xử lý nhiệt theo tiêu chuẩn nhập khẩu của SFA, (2) đã được muối hoặc đã được xử lý để có thể bảo quản được lâu dài và (3) đã được đóng hộp. Đối với trứng tươi, thịt động vật gia súc, gia cầm và hải sản dưới mọi hình thức (bao gồm thịt sống, đông lạnh và chưa qua chế biến dưới mọi hình thức) đều chưa được phép nhập khẩu từ Việt Nam vào Singapore.

thit-do-la-gi
Đa số các sản phẩm thịt lợn, bò, gia cầm, hải sản của Việt Nam (dưới mọi hình thức) đều chưa được phép nhập khẩu chính ngạch vào Singapore

Ngoài ra, trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh liên quan đến gia súc, gia cầm… tại các quốc gia đã được cho phép nhập khẩu thực phẩm, chính phủ Singapore sẽ có thông báo về việc hạn chế nhập khẩu cụ thể đối với từng khu vực. Ví dụ hiện tại, một số khu vực đang bị Singapore hạn chế nhập khẩu trứng tươi có thể kể đến Nhật Bản (các tỉnh Ibaraki, Kagoshima, Saga, Saitama do đang có dịch cúm gà) hoặc Canada (trong vòng bán kính 10km xung quanh khu vực bùng phát dịch cúm gà ở Alberta, Quebec, Saskatchewan, Manitoba…), do vậy các doanh nghiệp khi nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam cần liên tục cập nhật và theo dõi thông tin từ SFA để có biện pháp ứng phó, tránh những rủi ro không đáng có về mặt pháp lý.

Tôn trọng người tiêu dùng:

Bên cạnh những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng Singapore còn rất nhạy cảm đối với các thông tin liên quan đến đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch và tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Những trường hợp như Công ty Viet-Sin Grocery như đã đề cập ở trên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng Singapore đối với hàng thực phẩm Việt Nam nói chung và tạo tiếng xấu cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam nói riêng. Chưa kể, nếu các đơn vị nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam như Viet-Sin Grocery tiếp tục xuất khẩu lần hai các sản phẩm trên thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của các doanh nghiệp Việt tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Theo Phong Linh (Doanhnghiephoinhap.vn)

Từ khóa :
Quảng cáo
Quảng cáo