Khởi Nghiệp

Dấu ấn về hành trình khởi nghiệp của cựu CEO Uber

Chia sẻ về hành trình bước sang làm chủ một lĩnh vực hoàn toàn mới, ông Dũng cho rằng, mọi sự thay đổi đều có rủi ro, quan trọng là bạn xác định được những điều bạn cần đánh đổi và có dám chấp nhận những rủi ro đó hay không.

Cập nhật 04/03/2024 23:24 PM

Rời Uber Việt Nam vào tháng 10/2017 sau 3 năm gắn bó, ông Đặng Việt Dũng hiện là đồng sáng lập và CEO Nano Technologies. Startup này cung cấp giải pháp ứng lương, thống kê thu nhập và giáo dục quản lý tài chính cho người lao động thông qua ứng dụng có tên là VUI. Ứng dụng cho phép người lao động nhận lương dựa trên số giờ làm việc tích luỹ, thay vì đợi đến cuối tháng

ceo-uber-1
Chân dung ông Đặng Việt Dũng.

Hành trang từ quá trình làm thuê cho các tập đoàn lớn

Sau những trải nghiệm làm thuê cho các tên tuổi lớn như Tập đoàn sản xuất bia hàng đầu thế giới ABInbev, tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey & Company hay các vị trí cao hơn như CEO Uber Việt Nam , Giám đốc mảng kinh doanh thanh toán của Công ty Cổ phần VNG, anh cảm nhận điều gì khó khăn và thú vị nhất khi chuyển đến vai trò làm chủ của mình tại Nano Technologies?

Ông Đặng Việt Dũng: Các công ty mà tôi đã từng làm thuê ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, như McKinsey thì là về đầu tư chiến lược, ABInbev làm về sản xuất và dịch vụ thực phẩm trên thị trường toàn cầu, hãng gọi xe công nghệ Uber hay nền tảng thanh toán công nghệ Zalopay. Tất cả những trải nghiệm đa dạng đấy đã giúp tôi không chỉ tích lũy kinh nghiệm mà còn có cái nhìn đa chiều về kinh doanh, về doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những công ty sau này, tôi phải giữ vai trò lãnh đạo tổ chức tại Việt Nam, tôi đã có những trải nghiệm rõ ràng hơn về trách nhiệm. Nói ngắn gọn là khi trước đây mình làm thuê, nếu có làm sai thì chỉ bị sếp trách thôi. Nhưng đến khi làm CEO, lúc đó mọi người sẽ nhìn vào thành quả mình làm để đánh giá mình. Tất nhiên tuy đảm nhận vị trí làm CEO thì bản chất vẫn chỉ là tôi làm thuê.

Tất cả những trải nghiệm mà tôi có được cộng lại cho đến khi tôi làm chủ doanh nghiệp của mình, tôi nhận thấy một thực tế là, nếu tôi không có được những kinh nghiệm từ quá trình làm thuê trước thì khi làm doanh nghiệp riêng sẽ cực kỳ vất vả. Không chỉ là công việc của mình nó vất vả, mà khó khăn nhất là mình không thể sắp xếp được tư duy của mình cho đúng. Thực ra, tôi biết bây giờ có rất nhiều bạn trẻ đi làm khởi nghiệp, tôi cho rằng đây là điều rất đáng quý và dù có thất bại thì các bạn cũng sẽ học được rất nhiều điều. Tuy nhiên, có một thực tế mà tôi nhận thấy rằng, nếu các bạn còn quá trẻ mà làm chủ thì sẽ gặp phải một điều là không sắp xếp được tư duy. Các bạn dễ bị tồn tại những suy nghĩ làm bản thân phải dày vò như điều này mình chưa có tốt, mình làm thế này liệu có dễ thất bại không hay điều này có thể là mình vẫn chưa biết,… Tất cả những cảm xúc này tôi đều đã trải qua rất nhiều rồi, khi tôi bắt đầu làm chủ, thi thoảng vẫn có những cảm xúc như thế thì tôi không thể tưởng tượng nổi nếu tôi mới ra trường khoảng 2-3 năm mà làm chủ thì tôi sẽ phải trải qua khủng hoảng tâm lý tồi tệ thế nào.

Nói chung lại, tôi thấy được những trải nghiệm trong quá trình làm thuê cho các tập đoàn lớn là một hành trang đáng quý để giúp tôi có được nền tảng đủ vững trong hành trình xây dựng được một doanh nghiệp cho riêng mình.

Làm CEO cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam và giờ đây làm CEO của một startup, anh thấy sự khác biệt đáng chú ý như thế nào trong cách thức quản lý, đối mặt với rủi ro và xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Ông Đặng Việt Dũng: Nếu để nói về sự khác biệt giữa làm cho một công ty nước ngoài rất lớn với làm cho một startup rất nhỏ thì có thể nói sự khác biệt đó là rất lớn. Đầu tiên, về các tổ chức lớn với bề dày lịch sử cũng rất lớn thì việc quản lý rủi ro trong trong doanh nghiệp lớn là thường họ muốn bảo vệ thành quả mà người ta đã có và duy trì tốc độ phát triển thành quả trong thời gian tới. Ví dụ khi làm ở những công ty lớn, họ thường đặt ra mục tiêu tăng trưởng mỗi năm từ 5-10% và không để xảy ra rủi ro về vận hành, thương hiệu,… Còn khi ở một công ty nhỏ đang trong giai đoạn hình thành và bắt đầu phát triển, thì quản trị rủi ro sẽ không giống với các công ty lớn, bản chất những công ty nhỏ mà không sai tí nào thì kiểu gì công ty cũng sẽ chết. Việc sai là điều đương nhiên, chỉ là sai to hay sai bé mà thôi, nếu sai bé thì tốt, vì sai bé còn học được, sửa được còn sai to thì rất dễ kéo công ty đi xuống. Vì vậy đối với doanh nghiệp nhỏ thì tôi phải áp dụng nguyên tắc khác rất nhiều so với công ty lớn, đó là công ty lớn là hầu như không được có rủi ro, hoặc đã phải kiểm soát thật chặt, tuyệt đối không có nhiều kẽ hở và nếu sai thì sẽ phải trả cái giá rất lớn, nhưng công ty nhỏ thì luôn tiềm ẩn rủi ro, rủi ro xảy ra sẽ làm mình có thêm nhiều bài học để sửa chữa lâu dài. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất, doanh nghiệp nhỏ sẽ cho phép mình sai, miễn là mình phải biết mình sai cái gì còn doanh nghiệp lớn thì mình không được cho phép sai, để xảy ra rủi ro.

Thứ hai về xây dựng văn hóa, tôi muốn nói ngắn gọn là ở công ty lớn rất khó để xây dựng văn hóa. Trong khi công ty nhỏ, đặc biệt là những công ty với quy mô lao động 10-30 người thì việc xây văn hóa sẽ dễ dàng hơn. Có một điểm chung giữa công ty lớn và công ty nhỏ, đó là văn hóa chính nằm ở những gì chúng ta làm, những gì chúng ta nói. Mà làm thì phải bắt đầu từ những người làm đầu tiên, đó chính là người quản lý. Ở đâu cũng thế thôi, xây dựng văn hóa bắt đầu từ người đứng đầu và sẽ đi xuống dần những người làm ở dưới. Những nhà quản lý từ CEO, CTO, hay thậm chí những người quản lý bình thường thôi thì họ đều phải là người dẫn dắt văn hóa, bắt nguồn từ những gì mà họ nói, những gì mà họ làm.

Văn hóa ở công ty nhỏ, là những người như tôi và những người đồng hành cùng tôi là phải cùng nhào nặn từ những bước đầu tiên. Như công ty tôi hiện giờ đang có 60-70 người thì nó cũng đã qua giai đoạn đầu tiên là xây nền rồi, vì khi công ty đã trên 50 người là nhân viên bắt đầu không thể nhớ được tên nhau rồi, và khi đó  thì chúng ta thường làm việc theo quy trình. Như vậy, nói về doanh nghiệp của tôi, lúc này đã và đang ở giai đoạn khó xây dựng văn hóa rồi, nhân viên không thể nhớ hết được tên nhau. Bởi lẽ văn hóa đang dần định hình thì công ty lại tăng trưởng lên. Mà khi các bạn nhân tài đến với công ty với văn hóa rất khác nhau và chuyên môn cũng rất khác nhau cho nên từ đây tôi đang thấy được bản thân phải chuẩn bị cho một giai đoạn mới về mặt phát triển tổ chức và nhân sự. Nghĩa là bây giờ khi mình bắt đầu lớn dần rồi, mình đã có hơn 50 người rồi thì văn hóa nếu không làm tốt thì sẽ khó có cơ hội để có thể làm tốt. Tự tôi đang chuyển dần từ một công ty rất nhỏ sang một công ty cỡ vừa và hy vọng một ngày nào đó thì có thể một công ty lớn hơn, nhưng nếu đến lúc đó mà chưa xây dựng xong văn hóa thì sẽ rất mệt. Vì vậy, quá trình hình thành văn hóa thực chất hiện giờ tôi cũng đang tích cực gây dựng dần.

ceo-uber-2
Ông Đặng Việt Dũng (đứng thứ hai từ trái sang) và đội ngũ Nano Technologies.

Nắm bắt cơ hội kinh doanh để chuyển mình

Ý tưởng về mô hình cung cấp giải pháp ứng lương cho người lao động đã đến với anh như thế nào, và điều gì đã thúc đẩy anh thành lập Nano Technologies?

Ông Đặng Việt Dũng: Ý tưởng này tôi nghĩ nó là cả một quá trình. Và nó có một giai đoạn mà ý tưởng đã trở nên rõ ràng với mình, nói ngắn gọn là như vậy. Thời điểm năm 2019, ý tưởng này đã xảy đến, nhưng không phải là ngẫu nhiên ngay lúc đó mình có ý tưởng đấy. Thực chất, việc tiếp thu và triển khai ý tưởng đấy là cả quá trình mà tôi đã tích lũy hàng chục năm.

Chính xác là năm 2019, sau một thời gian tôi đã làm qua rất nhiều công ty, tôi tự nghĩ rằng “Bây giờ mình nên làm gì, chẳng lẽ lại tiếp tục đi làm thuê CEO công ty ngoài tiếp, nếu điều hành tốt thì họ dùng mà nếu có sai lầm thì sẵn sàng sa thải mình bất cứ lúc nào và mình lại phải đi tìm việc khác. Đến một độ tuổi đủ chững rồi, mình có nên thử thách một cái gì của riêng mình không?”. Tôi tự thấy rằng, bản thân lúc này không biết phải làm gì, tất nhiên là không biết chứ không phải là không thể làm gì, vì đó là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Cái khó của những người có thể làm mọi thứ là không biết liệu nên làm cái gì tiếp theo, hay nên làm vì điều gì bây giờ, vì tiền hay vì danh vọng? Thời điểm đó, tôi thực sự cảm thấy không rõ ràng rằng mình muốn kiếm tiền bằng công việc gì. Tôi thấy rằng, không nhất thiết mình phải làm lại những thứ mình đã làm, và đây là thời điểm tốt để mình thử một thứ mới.

Trong thời gian đó, khi chưa biết làm gì, tôi có nhận lời đi làm cố vấn cho một vài người anh trong Hội đồng quản trị tại các ngân hàng lớn, về chuyển đổi số, về quản lý danh mục đầu tư của họ như nào. Và khi tôi xem tài liệu của họ, tôi bắt đầu có thời gian hiểu hơn về ngành tài chính tiêu dùng, tài chính cá nhân ở Việt Nam. Có một con số làm tôi rất giật mình, đó là ở Việt Nam, có gần 20-30 triệu người đi vay nặng lãi ở góc độ lãi suất 100%/năm trở lên, chưa tính cầm đồ, chưa tính vay tín dụng đen. Nếu tính đơn giản, Việt Nam có khoảng hơn 60 triệu người trưởng thành, nếu 30 triệu người đi vay nặng lãi thì trung bình, cứ có 2 người trưởng thành thì lại có 1 người đi vay nặng lãi. Cái đó không làm cho xã hội chúng ta tiến lên được, vì bản chất nếu đi vay nặng lãi 100%/năm thì sẽ không có ngày mai. Đối với một người làm kinh doanh, nếu thấy được 1 vấn đề nào đó nó nhức nhối mà nhiều người chưa giải được thì đây chính là cơ hội để kiếm tiền. Đơn giản là, khi anh có vấn đề nhức nhối mà không thể giải quyết được, thì anh trả tiền để tôi giúp anh giải quyết. Tôi nhận thấy được đây là một vấn đề và bài toán rất lớn, vì không dừng ở con số nghìn người mà đã lên tới hàng chục triệu người. Và điều này đương nhiên là có thể có giải pháp, lúc đó tôi mới đi tìm hiểu mô hình ứng lương cho người lao động để xem trên thế giới họ làm như thế nào. Qua quá trình tìm tòi, tôi thấy được ở Mỹ họ đã làm từ 12 năm trước và đã rất thành công trong mô hình này rồi. Họ thành công không chỉ vì họ kiếm được tiền, mà điều thành công nhất ở ngành này là họ đã thay đổi một thứ từ rất khó thay đổi là chu kì trả lương, vì đó là khế ước xã hội, nó tính theo luật mà Luật Lao động thường rất lâu mới thay đổi một lần. Điều kì diệu là chỉ qua 7-8 năm, từ một ngành hẹp mà trở thành 1 sản phẩm mà ngân hàng cũng có thể làm được. Nó đã trở thành 1 sản phẩm mà doanh nghiệp Mỹ nào cũng có thể dùng. Đến nỗi mà ở bên họ, người lao động dần hình thành thói quen là nếu đi xin vào một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không có dịch vụ ứng lương trước thì họ sẽ không vào nữa. Chuyện sử dụng dịch vụ này chỉ là một dấu hiệu của thị trường thôi, nhưng điều hơn cả là họ đã được trao quyền để làm việc này. Rất nhiều công ty coi dịch vụ này như một phúc lợi chính thức tương đương như bảo hiểm sức khỏe.

Đối với tôi, khi tôi nhìn được bài toán đó, tôi thấy được cơ hội để kinh doanh. Quay lại câu chuyện ở Việt Nam, nếu chúng ta thấy được có 30 triệu người đi vay nặng lãi, nếu họ được tiếp cận sản phẩm như thế này thì chắc chắn họ sẽ không tiếp cận các khoản tài chính hại cho mình như thế. Giữa một bên là công ty cung cấp phúc lợi là ứng lương trước và một bên là đi vay với khoản lãi lên tới 100%/năm. Chắc chắn không ai muốn lựa chọn thứ 2 cả. Tôi tin một vài năm nữa, thị trường Việt Nam cũng sẽ giống với thị trường nước ngoài như Mỹ, Ấn Độ hay các nước đang áp dụng mô hình này, dịch vụ này sẽ trở thành một phúc lợi có sẵn trong doanh nghiệp vì bản thân doanh nghiệp muốn phát triển bền vũng sẽ luôn bảo vệ và tạo điều kiện cho người lao động. Bản thân tôi nhìn thấy các thị trường nước ngoài đã làm mô hình này và họ làm khá thành công. Đối chiếu lại thị trường Việt Nam, mình thấy được thị trường rất đông, quá nhiều người phải đi vay nặng lãi và nhiều doanh nghiệp đang trả lương chậm, trong khi đó với mức lương trung bình hiện có, nhiều người lao động phổ thông chỉ đủ mức lo cho được cuộc sống thôi và đương nhiên sẽ có lúc bị hụt tiền không thể lo các khoản đột biến. Chính vì thế vậy, rất có thể họ phải tìm đến các khoản vay nặng lãi, họ cũng chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, nhất là những người lao động phổ thông, hoặc người lao động có thu nhập thấp. Đây vừa là điểm nhức nhối của thị trường nhưng cũng vừa là cơ hội cho các startup nhìn thấy ý tưởng mới để sáng tạo ra một sản phẩm hữu ích cho mọi người dùng.

Có thể nhiều người coi dịch vụ ứng lương này chỉ như một thẻ tín dụng thôi. Và bản thân tôi thấy được rằng, một dịch vụ hay đều có một đặc điểm là bản thân người dùng còn không nhớ là mình sử dụng nó, nó như một thói quen và như một thứ mình luôn cần. Sản phẩm do tôi tạo ra đã được rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn áp dụng, rồi những người lao động phổ thông làm nhà máy đến người làm tại các siêu thị hay những nhân viên văn phòng đều sử dụng. Bản thân tôi thấy được khi mình đã làm 4 năm rồi, phục vụ hàng trăm nghìn người rồi, thì đến thời điểm này, những lợi ích mà nó mang lại đã tạo động lực để cho chúng tôi có thể tiếp tục làm và phát triển.

Mặc dù trong 4 năm chúng tôi thành lập thì năm 2020, 2021 diễn ra đại dịch COVID nhưng bản thân doanh nghiệp vẫn có sự phát triển vược bậc, vượt bậc trong một điều kiện vô cùng khó khăn, thậm chí cả những lúc mà thị trường dường như xuống đáy mà vẫn có nhu cầu. Điều này tạo động lực cho tôi, không chỉ là động lực là việc kinh doanh có cửa, mà động lực ở đây là dịch vụ đã giúp đỡ cho những người thực sự cần giúp với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Tất nhiên công ty vẫn cần theo đuổi mục tiêu về lợi nhuận, nhưng nếu mình phát triển được mục tiêu kinh doanh của mình song hành với mục tiêu xã hội, mà với mỗi dịch vụ mà mình đem đến đều có ích cho xã hội thì đó là kim chỉ nam mà doanh nghiệp tôi luôn theo đuổi.

Nếu tương lai Việt Nam mình giống Mỹ hay các nước đang áp dụng mô hình này, thì tôi tin 5-10 năm nữa sẽ có đến 10- 20 triệu người dùng dịch vụ này. Và khi một sản phẩm có trên 1 triệu người dùng thì công ty không thể tệ được. Vì thế, tôi tâm niệm, nếu mình cứ suy nghĩ hằng ngày rằng làm thế nào để có thêm nhiều người dùng hơn thì tự khắc công ty sẽ lớn mạnh hơn, chứ không nên chỉ nghĩ về mục tiêu doanh thu. Cứ nhiều người dùng mà người ta quý mình, người ta thấy mình có giá trị là tự khắc họ sẽ tìm đến mình.

ceo-uber-3
CTO Nano Technologies Nguyễn Việt Thắng và CEO Đặng Việt Dũng.

Làm thế nào để tạo ra một cộng đồng người lao động, doanh nghiệp và nhà đầu tư ủng hộ một mô hình mới như thế này?

Ông Đặng Việt Dũng: Khi xây dựng một doanh nghiệp, thì cũng giống như mình tạo một niềm tin. Tại sao lại như thế, vì ngay cả bản thân tôi cũng không thể biết liệu nó có thể thành công được hay không. Khi làm một startup, mình xây một thứ nó thuộc về tương lai, trong tương lai nó có thể xảy ra mà nó cũng có thể thất bại nhưng nếu làm mà không có niềm tin thì chắc chắn sẽ không thể thành công được. Hiện nay, tôi thấy được các bạn nhà sáng lập, đặc biệt là các bạn nhà sáng lập công nghệ, nếu sáng lập công ty mà chỉ chuyên thuần túy về công nghệ thì khi phát triển kinh doanh sẽ gặp khó khăn. Theo tôi, bản thân khi xây dựng một công ty lớn mạnh và lớn nhanh thì người sáng lập hay người điều hành phải biết vận dụng một chuỗi các đòn bẩy.

Đầu tiên, có thể nói nghề của tôi là nghề phải xây dựng được một chuỗi các đòn bẩy. Đòn bẩy đầu tiên mà tôi có, là tôi có kĩ năng, tôi có uy tín. Khi tìm hiểu tôi thấy ý tưởng này rất hay, lúc này tôi có đòn bẩy đầu tiên ngoài uy tín, khả năng của tôi đó là ý tưởng. Khi tôi có đòn bẩy là ý tưởng mà ý tưởng còn rất thuyết phục thì tôi đi tìm tiếp đòn bẩy thứ 2 là đòn bẩy về vốn. Tôi nói chuyện với rất nhiều các nhà đầu tư, và có một điểm lợi thế rất lớn của tôi, đó là họ rất tin tôi, tôi có uy tín, tôi có khả năng và tôi nói câu nào ra câu đó. Khi thuyết phục các nhà đầu tư, bản chất họ chỉ tin mình thôi, họ cũng có nói với tôi rằng: “Ý tưởng của bạn đôi khi chỉ được năm đầu thôi và đến năm sau lại có thể thất bại, cho nên khi đặt cược là tôi đặt cược vào bạn, còn ý tưởng thì bạn cứ làm đi”. Khi tôi đã có thêm một đòn bẩy là vốn, sau đó tôi bắt đầu xây đội ngũ. Ban đầu chỉ có tôi và một người bạn nữa thôi, sau đó bắt đầu nâng lên 5 người cùng ngồi trong căn phòng làm việc nhỏ hơn 10m2. Sau khi chúng tôi cùng làm việc với nhau thì bắt đầu có sang đòn bẩy thứ 4 là sản phẩm. Và ngay khi đã có sản phẩm, làm thế nào để tôi quay lại thuyết phục các nhà đầu tư ban đầu, nó nằm ở khách hàng. Ở thời điểm đầu tiên, ngay chính cả bản thân tôi cũng phải đi bán sản phẩm. Sau thời gian trầy trật, tôi đã dần có những khách hàng ban đầu. Như vậy, từ đòn bẩy là sản phẩm, tôi có thêm được đòn bẩy thứ 5 là khách hàng. Và khi tôi đã có khách hàng rồi, thì việc bán hàng dần trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, 10 khách hàng đầu tiên sẽ bán khó nhất, 90 khách hàng tiếp theo sẽ bán vẫn còn chút khó khăn, nhưng khách hàng thứ 101 sẽ dễ dàng hơn. Trong khoảng 20 khách hàng đầu tiên, có những khách hàng rất tiên phong, họ thích cái của mình vì thấy cái của mình rất hiện đại và nhân văn cũng như hiệu quả về mặt chi phí, thậm chí đó còn là những doanh nghiệp rất lớn. Như vậy, lúc này tôi tiếp tục có thêm đòn bẩy thứ 6, không chỉ là khách hàng mà còn là những khách hàng doanh nghiệp lớn. Và khi đã có doanh nghiệp đầu ngành như thế, chúng tôi tiếp tục có đòn bẩy thứ 7 là độ tin tưởng để đi thuyết phục những doanh nghiệp trong cùng ngành. Bởi lẽ, 1 doanh nghiệp đầu ngành đã ủng hộ rồi thì đương nhiên các doanh nghiệp khác trong ngành cũng sẽ cân nhắc theo. Và khi đã có được lượng khách hàng là doanh nghiệp đầu ngành và trong ngành rồi, tôi tiếp tục có đòn bẩy thứ 8 là nhiều đối tác ngân hàng đã tìm đến để hợp tác, họ thấy tôi làm được sản phẩm này mà họ không làm được, họ đề nghị hợp tác để cả 2 bên có thể phục vụ khách hàng là cá nhân lẫn doanh nghiệp một cách tốt hơn. Và khi đã có đòn bẩy là khách hàng ngân hàng thì từ đó nó đã mở ra được một loạt các đòn bẩy khác.

Xây dựng doanh nghiệp trước hết là phải có một niềm tin thì mình mới làm được, không có niềm tin thì mình không thể thuyết phục được người khác. Và tất nhiên chỉ niềm tin thôi là chưa đủ, phải hiểu việc xây dựng lên 1 doanh nghiệp là như thế nào. Việc xây đó là bằng một loạt các đòn bẩy như tôi đã chia sẻ.

Quay trở lại câu hỏi là làm thế nào để các nhà đầu tư ủng hộ, ttôi có thể tóm gọn lại là mình phải thuyết phục họ, tại sao ý tưởng này là có khả năng, vì mấy chục triệu người có nhu cầu, có thể tạo ra nguồn doanh thu tốt với rủi ro rất thấp. Ngoài ra tôi cũng đảm bảo rằng bản thân có thể tạo ra được một chuỗi các đòn bẩy trong đúng khung thời gian nhất định và đạt các mục tiêu nhất định.

Từ cả một quá trình làm nên doanh nghiệp, anh có thể đúc kết và chia sẻ về nguồn động lực cá nhân mạnh mẽ nhất mà anh đã nắm giữ trên hành trình khởi nghiệp?

Ông Đặng Việt Dũng: Bản thân tôi là người luôn lo xa về mọi thứ, cho nên khi tiến hành vào một công việc gì tôi luôn cố gắng chắc chắn về mọi việc tôi đang làm để bớt sợ về nó. Điều gì tôi càng hiểu thì nỗi sợ đó sẽ không còn. Điều này rất đúng về tâm lý, vì thường mình sẽ sợ những thứ mà mình không hiểu, khi mình hiểu rồi thì mình sẽ không sợ nữa. Khi hiểu rồi thì mình làm được cái gì mình sẽ làm, không làm được thì mình sẽ chấp nhận.

Điều đầu tiên là tôi luôn biết mục tiêu của mình là phải làm gì và mất khoảng bao lâu để làm. Ví dụ khi làm doanh nghiệp hiện giờ, tôi đã đặt ra mục tiêu là tôi sẽ làm trong 5 năm, không quan trọng là có kiếm được nhiều tiền hay không, miễn là công ty phát triển theo lộ trình mà tôi nghĩ công ty cần và phải làm được. Nếu sau 5 năm mà nó không phát triển như thế thì tôi nên suy nghĩ lại.

Ngoài ra, trong 5 năm đó, mình phải hiểu được là trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thì mình có chấp nhận điều đó hay không. Trước khi làm, tôi có viết ra một loạt kịch bản là phải đánh đổi như thế nào và mình có chấp nhận những thứ ấy hay không. Bởi lẽ, khi bạn không chấp nhận những thứ đó, chắc chắn trên hành trình bạn đi sẽ cảm thấy hối hận và sẽ phải thốt lên nhiều câu như “giá mà”, “giá như”,…

Điều thứ 3 mà tôi muốn nói với các bạn trẻ muốn làm khởi nghiệp, là trước khi khởi nghiệp, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm thì còn phải tích lũy về mặt tài chính. Nếu không vững về mặt tài chính, bạn không thể yên tâm và toàn tâm để xây dựng doanh nghiệp được.

Một câu chuyện nữa mà tôi muốn nói là, vậy khi đã chuẩn bị trước mọi thứ rồi, thì liệu bản thân có bị căng thẳng không, có áp lực trước các thử thách không. Câu trả lời đương nhiên là có và cảm giác đó luôn xảy ra liên tục. Tôi tự nghĩ rằng, mình đã chuẩn bị kĩ vậy rồi, đã viết ra kịch bản xấu nhất thế rồi, tự dặn là sẽ khó, sẽ khổ rồi nhưng trong thời gian đầu, tôi liên cảm thấy rất căng thằng về việc phát triển công ty. Tôi nghĩ đây không chỉ là câu chuyện của riêng tôi mà còn là câu chuyện của mọi doanh nhân. Có một câu nói mà tôi cảm nhận được rất rõ, đó là người đứng đầu là người rất cô đơn. Trước đây khi làm thuê tại ví trí CEO, tôi chơi với rất nhiều người CEO trong các công ty khác, tôi vẫn có nhiều người để tâm sự. Nhưng khi mình làm người sáng lập trong 1 ngành mà chẳng có ai làm cả, rồi những đồng đội của mình, họ vẫn chỉ là nhân viên của mình. Và đương nhiên không phải ai cũng có thể làm người đồng hành trong mọi câu chuyện của mình được. Có những dày vò, tâm sự đau lòng mà mình không nói được với ai mà chỉ tự nghĩ được trong lòng. Cho nên có nhiều thời điểm, tôi vẫn cảm thấy căng thẳng và cô đơn. Tuy nhiên, có một điều mà tôi nghĩ mình đã làm được trong hơn một năm qua là chấp nhận được thực tế. Đôi khi căng thẳng của chúng ta đến từ những thứ mà ta kì vọng quá nhiều. Bởi khoảng cách từ kỳ vọng và thực tế đôi khi còn rất xa. Có rất nhiều điều trong quá trình làm, tôi nhận thấy được điều gì mình làm chưa tốt, và thực tế là mình phải tìm cách sữa chữa, khắc phục.

Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

Theo Bảo Trinh (Doanhnghiepvahoinhap.vn)

Từ khóa :
Quảng cáo
Quảng cáo