Dự kiến nhà máy 150 triệu USD tại TP. Tân Uyên sẽ được khởi công từ ngày 16/5.
Với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD (khoảng 3.800 tỷ đồng), dự án Nhà máy Pandora Production Việt Nam sẽ là cơ sở sản xuất thứ ba của Pandora. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài Thái Lan. Dự kiến sẽ có hơn 7.000 thợ bạc được tạo cơ hội việc làm tại đây, và họ sẽ cùng sản xuất 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm cho Tập đoàn này.
“Đây là cơ sở sản xuất thứ ba, đồng thời là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài đất nước Thái Lan. Đáng chú ý, nhà máy này sẽ dùng 100% nguồn năng lượng tái tạo”, đại diện hãng này thông tin.
Được biết, Pandora là thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới chuyên thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm trang sức thủ công. Thương hiệu này đã được bán tại hơn 100 quốc gia, với 6.800 điểm bán hàng, bao gồm hơn 2.600 cửa hàng trải nghiệm (concept store).
Pandora có trụ sở chính tại Copenhagen, Đan Mạch, với hơn 27.000 nhân viên trên toàn thế giới. Vào năm 2021, Pandora đã bán ra 102 triệu sản phẩm trang sức, tạo doanh thu 23,4 tỷ DKK (hơn 84,5 nghìn tỷ đồng).
Theo tìm hiểu, Pandora là thương hiệu trang sức đến từ Đan Mạch được thành lập vào năm 1982 bởi Per Enevoldsen. Hiện Pandora đang được xem là lớn nhất thế giới, hơn 100 quốc gia đang bày bán sản phẩm của Pandora thông qua 6.700 điểm bán. Nhân sự của Pandora lên đến 33.000 người. Doanh thu của Tập đoàn Pandora Trong quý I/2024 ghi nhận đã đạt 977,77 triệu USD.
Nói về lý do “xây tổ” tại Bình Dương, Tập đoàn Pandora cho rằng Việt Nam có một lịch sử nghề thủ công rất phong phú, nhiều nhóm thợ bạc, nghệ nhân có tay nghề. Giám đốc cung ứng của Tập đoàn trang sức Pandora - ông Jeerasage Puranasamriddhi cũng nhận định rằng tỉnh Bình Dương và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3) có cơ sở hạ tầng tốt. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và ban quản lý Khu công nghiệp VSIP 3.
Khi nhà máy đặt ở Bình Dương, lợi thế rất lớn bởi hầu hết các sản phẩm của Pandora đều xuất khẩu, do đó vị trí gần sân bay rất quan trọng trong vận chuyển.
Đây cũng là lựa chọn nhằm giảm thiểu rủi ro về nguồn cung khi các nhà máy đều tập trung tại Thái Lan và họ đã quyết định sau khi xem xét kỹ lưỡng 27 quốc gia.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đan Mạch hiện xếp thứ 8 trong 25 quốc gia EU đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước này đã đầu tư tại 13 tỉnh thành của nước ta. Dẫn đầu là tỉnh Thừa Thiên Huế với 5 dự án, tổng vốn đăng ký 173,89 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỉnh Bình Dương đứng thứ hai có 13 dự án, tổng vốn đăng ký là 77,22 triệu USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo sau là TP.HCM với 55 dự án, tổng vốn đăng ký 41,34 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là Đồng Nai, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Ngoài nhà máy Pandora Production Việt Nam, tại khu công nghiệp VSIP 3 cũng đang có một "ông lớn" FDI khác của Đan Mạch là Tập đoàn Lego, đang đầu tư dự án nhà máy hơn 1,3 tỷ USD. Tại thời điểm cuối tháng 2/2024, nhà máy này đã hoàn thành được 61,7% theo đúng tiến độ đề ra và đảm bảo đưa một số hạng mục chính đi vào hoạt động từ tháng 8/2024.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác của Đan Mạch như Scancom, Vestas, Carlsberg, Julie Sandlau, Copenhagen Offshore Partners (COP), Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)... cũng đang đầu tư tại Việt Nam.
Theo Gia Hân (baodautu.vn)