Pháp luật

Mất gần 1 tỷ đồng vì cài phần mềm giả mạo làm căn cước online

Sau cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ công an đề nghị cài phần mềm làm căn cước online, một người phụ nữ ở Hà Nội đã bị mất 900 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng

Cập nhật 07/09/2024 12:00 PM

CAH Thanh Oai, Hà Nội đang giải quyết đơn trình báo của chị B, trú tại huyện Thanh Oai về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo trình báo của chị B, ngày 11-8, chị nhận được điện thoại của một đối tượng, tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Đống Đa đề nghị chị cung cấp thông tin để làm căn cước cho con trai. 

Sau đó, đối tượng yêu cầu chị cài đặt phần mềm để đăng nhập. Sau khi truy cập vào phần mềm này, chị B bị chiếm quyền điều khiẻn điện thoại và tài khoản ngân hàng bị rút mất gần 900 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, chị B đã đến Công an huyện Thanh Oai trình báo sự việc.

Theo chỉ huy CAH Thanh Oai, lợi dụng việc cấp thẻ căn đối cước đối với trẻ em 0-14 tuổi, các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ Công an, Cảnh sát khu vực yêu cầu người dân tải ứng dụng trên điện thoại để làm thủ tục trực tuyến. 

Ngay sau khi cài đặt phần mềm này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại. 

Người dân chủ động tìm hiểu thông tin về làm căn cước tại địa phương qua Cảnh sát khu vực phụ trách hoặc cơ quan công an nơi sinh sống. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo T. Văn (Anninhthudo.vn)

Từ khóa :
Quảng cáo
Quảng cáo