"Không chi bằng Dân đồng thuận, mọi việc cứ từ Dân mà ra, từ Dân mà dậy, dựa vào Dân mà làm"
Thanh Mỹ là một phần của khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, với nhiều sản vật quý hiếm. Sông Giăng trong xanh hiền hòa mang đến những thung lũng phù sa màu mỡ cùng đặc sản nổi tiếng "cá mát sông Giăng, măng chợ Chùa". Hồ Vực Sụ nằm bên con đường thiên lý Bắc - Nam không chỉ cung cấp nguồn nước chống hạn mà còn điều hòa không khí cho cả vùng.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Từ những người khai hoang đầu tiên
Cuối thế kỷ 15, Đinh Bô Cương sau khi nghỉ hưu đã chiêu tập dân đinh, khai hoang lập nên làng Cao Môn, mở trường dạy học với kế sách "dĩ nông tàng nho". Ông không chỉ dạy dân bỏ những tập tục lạc hậu mà còn hướng dẫn họ đào mương "dẫn thủy nhập điền", đắp đập ngăn sông Giăng phục vụ sản xuất.
Quý đại biểu, lãnh đạo tham gia chương trình Thanh Mỹ - 71 năm kiên cường đổi mới
Từ xa xưa, vùng đất này đã thu hút nhiều đợt di dân từ phía Bắc vào sinh sống. "Đất lành chim đậu" - người từ Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương và các xã trong huyện biết đến Thanh Mỹ, gắn bó và định cư tại đây, tạo nên những xóm làng trù phú, thân thương.
Tinh thần bất khuất qua các thời kỳ lịch sử
Do lợi thế phòng thủ tự nhiên và tinh thần cần cù, dũng cảm của người dân, Thanh Mỹ từng là căn cứ địa của nhiều cuộc khởi nghĩa. Cuối thế kỷ 19, nhân dân đã bố trí Sơn phòng ở Đền Chè, đắp đường đón Vua Hàm Nghi.
Ngày 1/5/1930, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân các làng trong vùng tổ chức cuộc biểu tình dữ dội - "Lửa Hạnh Lâm" đốt phá đồn điền Ký Viễn, một sự kiện đã đi vào sử sách.
Trong các cuộc kháng chiến, hàng trăm thanh niên đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Thanh Mỹ tự hào có 18 lão thành cách mạng, 2 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 120 Liệt sĩ, 83 thương binh, 33 bệnh binh, 54 người nhiễm chất độc da cam, 120 cán bộ trung, cao cấp, 82 Bảng vàng danh dự, 1.128 Bảng gia đình vẻ vang, 3.429 Huân, Huy chương các loại.
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Từ khó khăn đến đột phá
Dù giàu tiềm năng, trong một thời gian dài người dân Thanh Mỹ từng sống trong cảnh khổ nghèo, lạc hậu do hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai, "tứ tắc" giao thông và hạ tầng kỹ thuật thấp kém. "Rừng vàng" dần cạn kiệt, biến thành "đất trống, đồi núi trọc", đường sá ghập ghềnh, trơn trượt quanh những xóm làng tăm tối, xác xơ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, người dân Thanh Mỹ bắt nhịp khá nhanh với kinh tế thị trường. Từ năm 2000, đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, đất rừng được giao đến hộ, người nông dân được tự do suy nghĩ và quyết định trên mảnh đất của mình. Các tiến bộ khoa học công nghệ được đưa vào sản xuất và đời sống.
Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện (phải, ngoài cùng) và Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Anh (thứ hai, phải) và Đồng chí Trần Ngọc Thành - UV BTV Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (thứ ba, phải)
Tư duy người dân chuyển mạnh từ "tư duy sản lượng sang tư duy giá trị", hướng đến sản xuất hàng hóa. Hàng chục hộ dân làm trang trại, gia trại, trồng cây, chăn nuôi, sản xuất cây giống có giá trị hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình là các hộ ông Lê Đình Sửu, Trần Công Sơn, Lê Duẩn, Nguyễn Đắc Lợi, Nguyễn Quang Hiếu... Nhiều sản phẩm đã khẳng định thương hiệu, tiêu biểu là Bưởi Thanh Mỹ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được quan tâm phát triển. Thanh Mỹ đã có 10 trạm biến áp hiện đại với tổng công suất 2.070 KVA. Chợ 3/2 được nâng cấp, 292 doanh nghiệp nhỏ hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như: gạch không nung, mộc dân dụng, cơ khí, nhôm kính, vận tải...
So sánh giai đoạn 2014-2024: Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với nông, lâm, ngư nghiệp từ 50% giảm còn 41%; công nghiệp, TTCN, xây dựng từ 25,4% lên 28,5%; thương mại, dịch vụ từ 24,6% lên 30,5%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19,3 triệu lên 57,4 triệu đồng/người/năm.
THÀNH TỰU NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
Bước vào xây dựng Nông thôn mới (NTM), Thanh Mỹ chỉ có 12/19 tiêu chí đạt và gần đạt chuẩn. Tuy nhiên đến năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đi trước nhiều xã có cùng xuất phát điểm hoặc có điều kiện thuận lợi hơn.
Đảng ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Cả xã tập trung xây dựng NTM nâng cao với phương châm "Đảng vì Dân thì Dân tin Đảng".
Đội ngũ cán bộ địa phương luôn gần dân, học dân, đoàn kết nhất trí tạo nên sức mạnh. Xã chủ trương thực hiện "5 đồng", "4 Cùng", "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một công trình, mô hình, việc làm để đạt các tiêu chí NTM nâng cao".
Người dân tự nguyện đóng góp 200.000 đồng/khẩu, chỉ một ngày đã thu được 1,7 tỷ đồng. Ở Thanh Mỹ, đường nào có ba hộ dân trở lên đều được làm đường xi măng. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường, điển hình như các hộ ông Phạm Văn Mão, Nguyễn Đình Thìn, Nguyễn Hữu Hùng (thôn Mỹ Hưng) hiến từ 400 đến hơn 1.200 m² đất.
Nhân dân tự nguyện xây dựng đèn chiếu sáng, trồng cây ven đường, khơi thông cống rãnh, đảm bảo "sáng, xanh, sạch, đẹp". Ước mơ "Núi rừng có điện thay sao / Nông thôn có máy làm trâu cho người" đã trở thành hiện thực.
Với nhận thức đầu tư vào giáo dục là cách xóa đói giảm nghèo bền vững nhất, ba trường học của xã đều "xanh, sạch, đẹp", sớm đạt chuẩn quốc gia. Riêng Trường THCS đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Chất lượng dạy học nhiều năm cạnh tranh với các trường mạnh ở vùng thuận lợi.
Từ miền quê này đã có nhiều người con ưu tú, thành đạt như TS. Y khoa Trần Đình Viện, TS. Luật Nguyễn Gia Hà, TS. Kinh tế Nguyễn Gia Dũng, PGS-TS. Nguyễn Văn Lộc, TS. Nguyễn Thị Oanh, Th.s – BS. chuyên khoa 2 Dương Thị Sen...
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, làng văn hóa, dòng họ văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa, thể thao được triển khai đồng bộ. 100% xóm có loa phóng thanh, sân thể thao, hội quán và các công trình phụ trợ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Di tích Đền Thiện Sư và Đền Ông được người dân tự nguyện nâng cấp với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 chỉ còn 2,89%.
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác huấn luyện, giáo dục QP-AN cho các đối tượng được thực hiện tốt hàng năm. Việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hoàn thành 100% chỉ tiêu. Mâu thuẫn trong nhân dân được giải quyết kịp thời, không để phát sinh "điểm nóng". Hệ thống camera an ninh được lắp đặt rộng khắp, góp phần đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc..." và phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Sự lãnh đạo của cấp ủy toàn diện, tập trung. Sự quản lý, điều hành của chính quyền có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, hiệu quả.
Các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm túc. Mặt trận và các đoàn thể được củng cố về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thực hiện các chương trình thiết thực, hiệu quả.
Thanh Mỹ có nhiều con em sinh sống, công tác xa quê nhưng luôn gắn bó máu thịt với quê hương. Họ hướng về quê bằng tư vấn hướng đi, kết nối chương trình, dự án, hoặc trực tiếp đóng góp tiền của giúp đỡ quê hương. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của Thanh Mỹ.
NHÌN LẠI 71 NĂM PHÁT TRIỂN
Thanh Mỹ đã trở thành xã thứ 6 của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận từ người dân.
Trải qua 71 năm với bao biến cố thăng trầm, Thanh Mỹ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh vẫn là "cái sáng át cái tối, cái được nhiều hơn cái mất, cái tốt nhiều hơn cái xấu". Những kết quả đạt được là rất to lớn, đáng trân trọng và phát huy.
Bài viết: Anh Đặng – Biên tập: Bản tin doanh nghiệp 24h