An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết
Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị).
Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như nào tình trạng chạy xô tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng? Đồng thời cho biết có giải pháp như nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?
Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu điều hành của NHNN là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.
"An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế", bà Hồng nói.
Vì vậy, nhiều năm qua, NHNN sử dụng công vụ là hạn mức tín dụng, thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đặc thù của Việt Nam là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có thời kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 30%, có những năm tăng hơn 50%, gây ra hệ lụy và rủi ro với hệ thống ngân hàng.
Về tín dụng bất động sản, bà Hồng nhắc lại NHNN không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng không cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn cần căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn.
"NHNN quy định các nhà băng không được cho vay quá 30% vốn ngắn hạn với các khoản vay trung và dài hạn", bà Hồng thông tin.
Vì sao không vay USD của dân mà lại đi vay nước ngoài?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn (năm 2023 khoảng 16 tỷ USD), nhưng người dân gửi ngân hàng thì lãi suất chỉ 0 đồng, để ở nhà có khả năng không an toàn, trong khi đó chúng ta phải đi vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ và phải trả lãi.
Ông chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam về việc tại sao không vay USD của dân để có lợi cho dân, dù lãi suất thấp hơn vay của nước ngoài?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11.
Trả lời đại biểu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước đây có giai đoạn nền kinh tế thặng dư ngoại tệ nhưng có nơi găm giữ không bán, người chưa có nhu cầu đã ra mua, nên thị trường ngoại hối và tỷ giá trải qua giai đoạn biến động, gây bất ổn vĩ mô.
Từ năm 2016, NHNN áp dụng đồng bộ các giải pháp, như kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát để giữ giá trị VNĐ, thực hiện kết hợp lãi suất và tỷ giá để làm sao nắm giữ VNĐ là hấp dẫn và có lợi hơn, khi đó đưa lãi suất của USD về 0%.
Việc điều hành tỷ giá trên cơ sở hằng ngày có biến động lên - xuống, từ đó hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ và hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp và người dân dân có ngoại tệ sẽ bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho NHNN, vì thế dự trữ ngoại hối gia tăng, có lúc lên hàng trăm tỷ USD. Theo nữ Thống đốc, đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả, tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu tăng lãi suất huy động USD thì người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về tỷ giá, vừa hưởng lãi suất, sẽ gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang USD, dẫn đến nguy cơ trước đây quay trở lại
Về điều đại biểu băn khoăn vì sao phải đi vay vốn nước ngoài mà không vay USD của dân với lãi suất thấp, Thống đốc nhấn mạnh, bản chất nền kinh tế còn thiếu vốn thì cần huy động nguồn lực nước ngoài qua các kênh trên cơ sở đảm bảo cân đối vĩ mô. Còn nếu vay USD của người dân thì tổ chức tín dụng đối diện rủi ro về tỷ giá.
Nợ xấu có xu hướng tăng cao
Đề nghị làm rõ giải pháp giải quyết nợ xấu, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) đề nghị Thống đốc NHNN đánh giá tình hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này?
"Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc NHNN có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận).
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu.
NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu. Đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.
Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.
Tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%.
"Thời gian tới, NHNN sẽ tham mưu cho Chính phủ giải pháp thiết thực gì về tín dụng, vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu phát triển", bà Nga chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng.
Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên NHNN phải hết sức cân nhắc khi điều hành về tín dụng.
Để giải quyết vốn, NHNN đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân. Vốn cho sản xuất kinh doanh gồm tự có, vay ngân hàng, thu hút trực tiếp, gián tiếp nước ngoài hoặc vay nợ. Nếu doanh nghiệp có khả năng tự vay tự trả vốn nước ngoài cũng có khuôn khổ pháp lý.
Từ đó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị doanh nghiệp và người dân cân nhắc để tìm nguồn vốn phù hợp. Tổ chức cá nhân cũng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn để được vay, và quan trọng nhất là có khả năng trả nợ.
"Để doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ, họ phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi, đòi hỏi hỗ trợ, giải pháp từ nhiều bộ ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh", bà Hồng nói và cho biết.
Theo Phùng Đô- Trang Trần (baogiaothong.vn)