BẢN TIN 24H

Trò chơi độc hại len lỏi vào học đường

Bộ bài trò chơi được gắn nhãn học đường nhưng lại chứa nhiều nội dung, hình ảnh không phù hợp

Cập nhật 17/10/2024 09:59 AM

Mới đây, phản ánh đến đường dây nóng Báo Người Lao Động, anh Vũ Thanh Tùng (tổng phụ trách đội một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP HCM) cho biết vừa phát hiện bộ bài trò chơi "Meme 3 Học Đường" được học sinh sử dụng chứa nội dung độc hại.

Không phù hợp với trẻ em

Giờ ra chơi đầu tháng 10, anh Tùng sửng sốt khi thấy học sinh sử dụng bộ bài trò chơi học đường với những hình ảnh, câu từ không phù hợp như: "Tau chả thiết sống nữa"; "Bấm nút biến dùm chị"; "Chúng sinh bình đẳng, tao thượng đẳng"... "Ngay cả người lớn cũng không thể xem hay nói ra, nhưng đây lại là một trò chơi cho trẻ em núp dưới vỏ bọc học đường" - anh Tùng nói.

Ngay lập tức, anh Tùng trình báo với ban giám hiệu nhà trường để có biện pháp thông tin đến phụ huynh, ngăn chặn cũng như kiểm tra việc mua những trò chơi không phù hợp với tâm lý, lứa tuổi trẻ em.

Anh Tùng cho hay bộ bài trò chơi "Meme 3 Học Đường" được thiết kế màu sắc bắt mắt với 50 hoặc 120 lá. Mỗi lá bài chứa một nội dung, hình ảnh khác nhau. Trò chơi được quảng cáo là "gồm những pha tình huống gây bật ngửa cùng những chiếc meme mặn mòi, hứa hẹn sẽ đem đến cho cả hội bạn những khoảnh khắc cười sảng khoái, những màn sáng tạo tình huống hài hước và thú vị".

Bộ bài trò chơi với những lời có vẻ như đùa, vô thưởng vô phạt nhưng dễ dẫn dắt trẻ em có những hành động, lời nói tai hại, ảnh hưởng lâu dài đến sự hình thành nhân cách trẻ. Bộ bài núp bóng dưới hình thức trò chơi học đường sẽ tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu.

Từ phản ánh của anh Tùng, phóng viên tìm đến Công ty TNHH TM DV The Kas (công ty sản xuất được ghi trên bộ bài trò chơi "Meme 3 Học Đường") ở số 225 đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM để tìm hiểu thông tin. Song bảo vệ nơi này cho biết ở đây chỉ đặt bảng tên công ty, không có nhân viên, văn phòng làm việc.

Chị Huỳnh Hiếu (ngụ TP Thủ Đức) cho hay mới đây, chị cũng phát hiện con chị sử dụng bộ bài trò chơi chứa nội dung độc hại.

"Con tôi đang học lớp 4. Gần đây, trong lúc kiểm tra cặp sách thì tôi phát hiện cháu có sử dụng bộ bài trò chơi meme chứa nhiều hình ảnh, câu từ chưa phù hợp với tuổi của con. Tôi hỏi, con nói là của bạn bè mua trên mạng" - chị Hiếu nói.

"Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, của lối sống chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ. Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc và dẹp trò chơi này, cũng như kiểm tra giấy phép kinh doanh của cơ sở sản xuất" - anh Tùng nói.

z5938269211158_8aa5fde434509a34b4dc5032b242b099
Nhiều bộ bài trò chơi không phù hợp bán tràn lan trên mạng xã hội

Bán tràn lan trên mạng

Theo ghi nhận, việc mua một bộ bài trò chơi như trên rất dễ dàng. Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của Shopee, TikTok... lập tức vô số bộ trò chơi meme chứa những hình ảnh, từ ngữ chưa chuẩn mực xuất hiện và bất cứ ai cũng có thể mua được. Đáng nói, những bộ trò chơi núp bóng học đường này có số lượng người mua rất lớn.

Không chỉ có bộ bài trò chơi "Meme 3 Học Đường" mà một số trò chơi khác cũng núp bóng học đường như chơi nối chữ, oẳn tù tì… chứa nội dung, hình ảnh không phù hợp.

Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, hiện bộ bài meme đang là trào lưu, được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, có những phiên bản khác nhau mà nội dung đã biến tướng, phi giáo dục bởi những hình ảnh, câu nói mang tính độc hại, nguy hiểm. Với tuổi học sinh các em chưa đủ nhận thức, tư duy để biết rằng nó nguy hại cho chính các em và bạn bè.

"Thực tế, trên thị trường cũng có những bộ bài meme với những phiên bản đáng yêu, gần gũi. Thay vì việc cấm đoán các bộ bài meme thì cần khuyến khích những bộ bài có tính chuẩn mực, gần gũi để các em học sinh học tập, giải trí. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý những bộ bài mang tính độc hại đang được lan truyền rộng rãi, tránh để lại hậu quả xấu, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ em" - ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui nói.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho hay khoản 2 điều 30 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định hành vi sản xuất, xuất bản, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em thì bị phạt tiền từ 3 đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, điểm a khoản 3 điều 30 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, nếu người sản xuất, cung cấp các xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi có nội dung không phù hợp với trẻ em nhưng không ghi chú về việc trẻ em không được sử dụng thì bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Đồng thời các sản phẩm kể trên sẽ bị tịch thu.

Về việc bán sản phẩm không phù hợp với trẻ em trên mạng cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 3 đến 50 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Luật sư Phùng Huyền đề xuất nhà trường và thầy cô giáo nên có những buổi trao đổi với các học sinh để có thể nhận diện được các sản phẩm nào không phù hợp với lứa tuổi và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Điều này sẽ giúp các trẻ thêm kỹ năng trong việc nhận diện được các loại hình trò chơi không phù hợp. 

Theo Anh Vũ (nld.com.vn)

Từ khóa :
Quảng cáo
Quảng cáo