Tài sản bị hạ giá đến 50%, kéo dài gần một tháng không có kết quả
Khách hàng trong vụ việc là ông Nguyễn Thanh Sơn, người đã thực hiện định giá tài sản tại: Nhà đất tại huyện Củ Chi, TP.HCM và tại Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Ông Sơn cho biết, sau khi nộp hồ sơ Tài Sản để định giá tại TPBank, ông được yêu cầu thanh toán phí định giá khá cao (gần 2,5 triệu đồng/hồ sơ. Tổng 25 hồ sơ) Tuy nhiên, điều bất thường là gần 30 ngày trôi qua, phía ngân hàng vẫn chưa cung cấp kết quả định giá rõ ràng bằng văn bản, sau hơn 40 ngày mới có thông báo. Nhưng giá trị định giá thấp hơn thị trường gần 50%.
“Tôi thật sự bất ngờ và thất vọng. Tài sản tại Củ Chi của tôi nằm mặt tiền, có giấy tờ hợp lệ, khu vực đang giao dịch khoảng 150 tỷ đến 170 tỷ đồng nhưng phía ngân hàng thông báo chỉ định giá chưa đến 70 tỷ. Tài sản tại Bình Phước cũng tương tự, định giá thấp hơn thực tế khoảng 50%. Không có bảng so sánh, không có cơ sở cụ thể, chỉ có ‘một con số từ đâu đó’. Tôi thấy quá bất công”, ông Sơn bức xúc nói.
Khách hàng bị dồn vào thế yếu, có dấu hiệu lợi dụng định giá để ép mức vay.
Từ mức định giá thấp bất hợp lý, TPBank đã cắt giảm đáng kể hạn mức vay của ông Sơn, khiến ông không đủ vốn để triển khai kế hoạch kinh doanh, phải hoãn hợp đồng đầu tư, thậm chí đứng trước nguy cơ mất các cơ hội tài chính quan trọng.
Nghiêm trọng hơn, nếu sau này tài sản bị xử lý nợ do khó khăn tài chính, thì mức định giá thấp này sẽ trở thành căn cứ thanh lý, khiến khách hàng vừa mất nhà đất, vừa còn nợ xấu.
Một chuyên gia định giá bất động sản độc lập (xin giấu tên) nhận định: “Định giá thấp hơn thị trường 50% trong điều kiện tài sản hợp pháp, có vị trí tốt là điều không bình thường. Việc trì hoãn trả kết quả định giá quá lâu trong khi khách hàng đã nộp đủ hồ sơ và phí là có dấu hiệu lợi dụng quy trình nội bộ để làm khó khách hàng, hoặc phục vụ lợi ích không minh bạch.”
Cần làm rõ vai trò của công ty định giá và trách nhiệm của TPBank.
Đáng chú ý, ông Sơn cho biết công ty định giá là do TPBank chỉ định, khách hàng không được lựa chọn hoặc phản biện. Dù thu phí cao, đơn vị này không cung cấp báo cáo chi tiết, không có minh chứng giá trị tài sản tương đương trong khu vực, khiến khách hàng không thể đối chiếu hay bảo vệ quyền lợi.
“Nếu TPBank không minh bạch trong việc định giá, không trả lời rõ ràng về cơ sở và lý do chênh lệch, tôi sẽ gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước và nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi. Đây là hành vi có dấu hiệu trục lợi và lạm dụng vị thế ngân hàng,” ông Sơn cho biết thêm.
Cần thanh tra quy trình định giá và xử lý hồ sơ tại TPBank
Việc định giá tài sản là khâu quan trọng trong quá trình vay vốn ngân hàng. Nếu bị thao túng, không minh bạch hoặc lợi dụng để gây bất lợi cho khách hàng, sẽ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính ngân hàng.
Dư luận và giới chuyên gia kêu gọi Ngân hàng Nhà nước cần thanh tra toàn diện quy trình định giá tài sản tại TPBank, đặc biệt tại các chi nhánh khu vực TP.HCM và Bình Phước. Đồng thời, TPBank cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị định giá, trả lời công khai và có cơ chế bồi thường thỏa đáng nếu sai phạm được xác nhận.
P/V